Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
spot_img
HomeTin tứcNghề ship hàng lên ngôi trong thời đại online

Nghề ship hàng lên ngôi trong thời đại online

Nội Dung Chính

Hiện nay, dịch vụ kinh doanh online ngày càng nở rộ, từ các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm cho đến đồ ăn thức uống cùng nhiều loại mặt hàng khác. Khách hàng chỉ cần vào trang mạng có rao bán hàng, chọn món hàng mà mình thích rồi điện thoại hay vài cú “click” chuột là hàng hóa được giao đến tận tay. Ðể hàng đến tay người tiêu dùng, người bán phải thuê dịch vụ giao hàng cho khách. Người làm khâu trung gian này thường được gọi là “shipper” – người giao hàng, hay nói cách khác, họ là những người kết nối thế giới online với đời sống thật.

Không phải muốn làm “shipper” là được

“Mỗi một đơn giao hàng, chúng tôi nhận được vài chục ngàn tiền công”, anh Lê Quốc Quý, 32 tuổi, một nhân viên giao hàng (nhiều người quen gọi là “ship” hàng) đã vào nghề được hơn 1 năm ở Hà Nội cho biết. Theo anh Quý, “ship” hàng là công việc đang “hot” do dịch vụ bán hàng online ngày càng nở rộ, nhu cầu của khách hàng càng ngày càng cao nên người giao hàng (hay “shipper”) không lo thiếu việc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa ai muốn làm “shipper” cũng được vì còn liên quan đến nhiều yếu tố như quen thuộc đường sá, chịu áp lực công việc, lại phải xây dựng được lòng tin với chủ. Anh Quý kể, thời gian đầu, theo quảng bá trên mạng anh đã đi đến vài ba điểm để xin làm “shipper”. Khổ nỗi, chẳng nơi nào chịu nhận do anh không có người quen bảo lãnh. Mãi đến lúc nhờ được một người đi trước trong nghề giới thiệu và đứng ra bảo lãnh, anh mới được nhận làm “shipper” cho một shop kinh doanh online. Làm được một thời gian, anh được chủ tin tưởng giao phụ trách địa bàn.

Nếu xin làm “shipper” cho những cửa hàng kinh doanh đồ ăn nhanh, nước uống thì dễ, nhưng đối với những shop kinh doanh các mặt hàng đắt tiền như thời trang, trang sức, mỹ phẩm thì khó hơn nhiều. Người xin làm nếu có người quen đưa đến bảo lãnh thì có thể vào làm ngay. Còn không, người xin làm phải đặt chứng minh nhân dân hoặc tiền cọc thì chủ shop mới yên tâm nhận vào làm. “Ðơn giản vì họ sợ những “shipper” như tụi mình giao hàng xong rồi ôm tiền của khách chạy mất”, anh Quý nói. Với những shop kinh doanh lớn, kinh doanh các mặt hàng có giá trị, họ chỉ nhận 1, 2 “shipper” chuyên nghiệp, ăn lương trực tiếp của shop, chứ không ăn theo đơn hàng nữa. Những “shipper” chuyên nghiệp nếu muốn nhận thêm đơn hàng để đi giao thì phải móc nối với các “shipper” khác, chẳng hạn như ngày hôm nay đi giao hàng cho một nơi nào đó thì gọi cho các shipper khác xem họ có đơn hàng ở đó không. Nếu có, sẽ nhận luôn đơn hàng đó để đỡ mất công đi cho đôi bên. Tiền công sẽ được chia đôi,  hoặc theo tỷ lệ 4 – 6.

Nguyễn Văn Thắng, sinh viên năm thứ 3, Đại học Kiến Trúc vừa vào nghề “ship” hàng được vài tháng cho biết, mình cũng muốn kiếm một công việc làm thêm, kiếm tiền trang trải cuộc sống và học phí. Ðang không biết kiếm việc gì làm thêm, Thắng được một người anh chỉ cho nghề “ship” hàng. Ðể vào được nghề, Thắng phải nhờ đến một người trong nghề giúp. “Shipper” đàn anh thường nhận thêm đơn hàng và chia cho Thắng cùng đi giao để kiếm thêm thu nhập. “Nghề này tuy cực, dù trưa nắng hay chiều mưa vẫn phải đi giao hàng để giữ chữ tín với khách hàng cũng như với đồng nghiệp. Với một sinh viên, làm thêm kiếm được một vài trăm ngàn đồng mỗi ngày cũng đã là khá lắm rồi… Có nhiều bạn sinh viên khác cũng muốn làm “shipper”, nhưng không xin làm được đấy”, Thắng nói.

Nghề “kiếm ăn” được

Một đơn hàng đi giao trong khu vực thành phố, “shipper” thường được hưởng tiền công từ 10.000 – 30.000 đồng tùy theo từng loại mặt hàng, khối lượng hàng và địa điểm xa, gần… Nghe qua, thấy không đáng là bao nhưng cùng một thời gian, địa điểm, “shipper” có thể đảm nhiệm nhiều đơn hàng khác nhau. Vì thế, nghề này cũng có thể gọi là “kiếm ăn” được.

Nếu giao nhiều hàng cùng một nơi thì còn được tiền bỏ túi. Trường hợp đi giao ít, đường xa và khi đến nơi, khách lại còn yêu cầu gửi xe mang lên tận phòng cho họ thì xem như… hết cả thu nhập! Tuy nhiên, nếu bù qua, sớt lại với các đơn hàng khác thì bình quân mỗi ngày, người đi giao hàng có thể bỏ túi được từ 200.000 – 300.000 đồng. Kinh nghiệm của anh Quý là phải kết hợp nhiều đơn hàng với nhau. Càng nhiều đơn hàng thì thu nhập tiền công càng cao. Còn Thắng cho biết là thường nhận được  khoảng chục đơn hàng mỗi lần, nhưng không phải ngày nào cũng đi “ship” hàng. Có khi  2 – 3 ngày, Thắng mới đi một lượt, nhưng có lúc chỉ một đơn hàng thôi cũng phải đi giao để đảm bảo uy tín với người tạo công ăn việc làm cho mình.

Bi hài chuyện giao hàng

Anh Quý kể, trong một lần đi giao hàng là một bộ đầm thời trang, người đặt hàng online là một cô sinh viên đã nhất định không chịu lấy hàng vì cho là hàng giao không giống với ảnh đăng trên mạng. “Tôi phải mất cả giờ đồng hồ để thuyết phục… Cuối cùng, cô ấy mới đồng ý nhận lấy hàng với điều kiện… bớt 10.000 đồng! Mình phải chấp nhận bỏ tiền túi ra để bớt vì nếu không bớt thì mình không đủ chỉ tiêu số lượng hàng giao, không giao hàng kịp thời gian. Chỉ cần 1, 2 đơn hàng bị hủy sẽ ảnh hưởng đến thu nhập dữ lắm. Sợ nhất là đơn hàng bị khách trả lại  vì chúng tôi cũng bị mất luôn tiền công trong đó”,  anh Quý nói.

Ðối với những “shipper”, giao hàng là cả một quá trình với nhiều công đoạn và cả nhiều… bi hài nữa. Ðầu tiên, “shipper”  đến shop nhận hàng, ứng tiền cho sản phẩm (lộ phí, tiền thối lại khách), gọi điện trao đổi với khách hàng, xác nhận thời gian, địa điểm, rồi chở hàng đến đó. Gặp được khách hàng và giao hàng suôn sẻ thì không sao, nhưng nếu gặp phải khách hàng nào đã đặt hàng nhưng bỏ ngang thì ức chế vô cùng. “Cứ tưởng tượng, trải qua bao nhiêu công đoạn mới cầm được đơn hàng… Trời nắng chang chang, đi cả đoạn đường xa đến giao, nhưng khi gọi điện cho khách năm lần, bảy lượt mà khách không nhấc máy thì sẽ hiểu được nghề ship này có những lúc ê chề đến mức nào”, anh Quý nói.

Còn “shipper” Thắng đã có lần nhận đơn hàng chuyển đồ ăn đến một trường trung học ở nội thành Hà Nội. Trời mưa bất chợt, có mỗi cái áo mưa thì dùng để che hàng, còn người ướt như chuột lột. Ấy vậy mà khi đến nơi, gọi cả chục cuốc điện thoại, khách vẫn không nghe máy. Gọi trở về cho cửa hàng, họ bảo mình cứ chịu khó đợi khách hàng một tý. Mình đợi cả tiếng đồng hồ sau mới gọi lại cho khách hàng thì họ đã tắt máy… Cuối cùng, Thắng đành đem đơn hàng về ăn… Vừa tiếc công đi mưa, lại vừa tiếc tiền công lẽ ra được nhận.

Tuy nhiên, cũng nhiều lần đi “ship” hàng, Thắng còn được khách “bo” thêm tiền. “Lần đó, mình đem hàng giao cho khách vào đúng giữa trưa nắng gắt. Vị khách cằn nhằn mình đi giao vào giờ nghỉ trưa nên mình phải nói khó với họ, mình là sinh viên đi làm thêm nên chỉ tranh thủ được giờ này. Nghe xong, khách thương tình cho mình hẳn 50 ngàn đồng…”, Thắng kể.

5/5 - (1 bình chọn)
ems
ems
Chuyên dịch vụ chuyển phát nhanh EMS Vietnam Logistics, giao nhận hàng hóa, trong nước và Quốc tế tới 193 nước trên quốc tế bao gồm: hàng hóa, bưu kiện, thư tín, bưu phẩm, thời gian giao hàng nhanh uy tín và chuyên nghiệp
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

TIN LIÊN QUAN