Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
spot_img
HomeTin tức“Điểm nổ” của thị trường bưu chính chuyển phát Việt Nam

“Điểm nổ” của thị trường bưu chính chuyển phát Việt Nam

Nội Dung Chính

Ngày 7/11/2006, Việt Nam (VN) chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo cam kết của VN khi gia nhập tổ chức này, kể từ ngày 11/1/2012, các nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập DN 100% vốn nước ngoài để cung cấp dịch vụ chuyển phát tại VN; còn trước thời điểm 11/1/2012, các nhà khai thác bưu chính nước ngoài chỉ có thể cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh tại VN thông qua hình thức liên doanh với đối tác trong nước và phải tuân thủ điều kiện vốn góp nước ngoài không quá 51% vốn điều lệ của liên doanh.

“Điểm nổ” của thị trường bưu chính chuyển phát Việt Nam
“Điểm nổ” của thị trường bưu chính chuyển phát Việt Nam

Trên thực tế, từ trước khi VN vào WTO, trong những năm đầu thập niên 1990, các hãng chuyển phát nhanh hàng đầu thế giới như DHL, FedEx, UPS, TNT… đều đã có mặt và cung cấp dịch vụ tại thị trường VN thông qua hình thức hợp tác với đối tác Việt mở đại lý thu gom, phát hành. Tiếp đó, vào các năm 1995, 2007 và 2010, TNT, DHL và UPS đã lần lượt góp vốn cùng các đối tác trong nước để lập ra các Công ty liên doanh TNT-Viettrans, DHL-VNPT và UPS Việt Nam.

Mới đây, ngày 19/3/2013, sau gần 3 năm “bắt tay” cùng Công ty CP chuyển phát nhanh Bưu điện (VNPost Express) lập ra Công ty CP UPS Việt Nam, UPS – hãng chuyển phát nhanh của Mỹ thông báo đã mua lại 49% cổ phần của VNPost Express để sở hữu 100% vốn tại UPS Việt Nam.

Như vậy, sau hơn 1 năm thị trường chuyển phát VN mở cửa sâu hơn, cho phép sự tham gia của các DN 100% vốn nước ngoài, UPS đã là hãng chuyển phát toàn cầu đầu tiên sở hữu 100% vốn nước ngoài tại VN. Lý do mua lại cổ phần của VNPost Express, theo đại diện UPS, là để họ có thể chủ động, linh hoạt hơn khi mở rộng hoạt động và tăng cường hợp tác với các DN Việt, tạo sự kết nối tốt hơn thị trường VN với thế giới thông qua mạng lưới toàn cầu của UPS.

Trước đó, hồi tháng 11/2012, lãnh đạo FedEx – một nhà khai thác dịch vụ bưu chính tên tuổi khác của Mỹ, đã tiết lộ thông tin họ đã nộp đơn tới các cơ quan chức năng để xin thành lập DN 100% vốn nước ngoài tại VN.

Còn với DHL Express, trong năm 2012, hãng chuyển phát toàn cầu này đã triển khai nhiều hoạt động, tiếp tục khẳng định cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường VN như: tăng thêm 5 chuyến bay từ Hồng Kông tới TP.HCM (tháng 2/2012); triển khai chương trình Go Green, đưa số lượng xe tải nhỏ vận tải nội địa tăng thêm 25 xe, nâng năng lực vận tải của DHL thêm 37% (tháng 4/2012); hợp tác với VietnamPost cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế VNQuickpost (từ tháng 7/2012); đầu tư 10 tỉ đồng để mở trạm trung chuyển tại Đà Nẵng, có diện tích 650.000 m2 và có khả năng xử lý 250.000 lô hàng mỗi năm (tháng 12/2012).

Cũng vào cuối năm 2012, sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng một phần cổ phần cho Công ty TNHH Gia Lý và Công ty CP Kerry Intergrated Logistics của Hồng Kông, Công ty CP chuyển phát nhanh Tín Thành đã được Sở KH-ĐT Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN với tên gọi mới là Công ty CP chuyển phát nhanh Kerry TTC (Kerry TTC Express), trở thành một trong những DN bưu chính có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, theo số liệu của Vụ Bưu chính, từ tháng 1/2012 đến nay, VNPost Expess và Công ty CP công nghệ Thần Tốc đã được Bộ TT&TT xác nhận làm đại lý cung ứng, vận chuyển và phát bưu gửi nhận từ nước ngoài cho 3 DN nước ngoài là: Công ty Linehaul Express; Công ty Saigon Xpress và Công ty O.A.Cargo Inc.

Sẽ sớm thêm các DN 100% vốn nước ngoài

Bình luận về sự kiện UPS mua lại 49% cổ phần của VNPost Express để sở hữu 100% vốn của Công ty UPS Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thế – TGĐ Công ty cổ phần TM&DV Nội Bài (Netco) cho rằng, đây là điều hoàn toàn không bất ngờ đối với các DN bưu chính trong nước. Theo ông Thế, UPS cùng với DHL, TNT, FedEx đã góp mặt trên thị trường VN gần 20 năm qua. Các nhà khai thác bưu chính này từ khá lâu đều đã ấp ủ ý tưởng lập DN 100% vốn nước ngoài tại VN và họ chỉ chờ khi thời cơ “chín muồi”. Việc UPS Việt Nam trở thành DN chuyển phát 100% vốn nước ngoài đầu tiên được ví như một “điểm nổ”, hay “phát súng” đầu tiên mở đầu cho các thương vụ thể hiện sự thâm nhập sâu hơn của các DN bưu chính lớn trên thế giới vào thị trường VN.

Trước đó, tại buổi tọa đàm “Mở cửa thị trường bưu chính: Cơ hội và thách thức” diễn ra tháng 5/2012, ông Đỗ Ngọc Bình-phụ trách chức vụ Chủ tịch VietnamPost cũng đã dự báo rằng nhiều khả năng thời gian tới các hãng chuyển phát nhanh toàn cầu DHL, UPS và TNT sẽ tính đến phương án tách khỏi mô hình liên doanh để trở thành những DN 100% vốn nước ngoài.

Còn theo đại diện SaigonPost, giai đoạn 2013-2014 sẽ là khoảng thời gian thể hiện rõ nét hơn cả sự thâm nhập của các DN bưu chính nước ngoài thông qua phương thức hợp tác hoặc mua lại cổ phần của các DN “nội” đã có sẵn hệ thống mạng lưới.

Mặt khác, đại diện lãnh đạo các DN bưu chính giàu kinh nghiệm trong ngành cũng cho rằng, động thái của UPS và các DN chuyển phát “ngoại” khác trong thời gian qua cũng đã cho thấy thị trường bưu chính chuyển phát Việt vẫn rất giàu tiềm năng, là mảnh đất mầu mỡ để các DN tiếp tục khai phá.

Và mặc dù đều thống nhận với nhận định áp lực cạnh tranh trên thị trường bưu chính VN sẽ ngày càng gia tăng khi các hãng chuyển phát lớn trên thế giới như UPS có sự thâm nhập sâu hơn-trở thành DN sở hữu 100% vốn nước ngoài; song đại diện lãnh đạo VietnamPost, Netco, Kerry TTC Express… đều cho rằng trong giai đoạn trước mắt, mức độ ảnh hưởng, tác động từ sự tham gia sâu của các hãng chuyển phát quốc tế đối với các DN bưu chính trong nước là chưa lớn.

Lý giải rõ hơn nhận định trên, ông Thế cho hay, UPS và các DN nước ngoài khác tăng cường đầu tư, mở rộng hoạt động tại thị trường VN là “nhắm” đến khai thác mảng dịch vụ, giải pháp logictics, phục vụ cho nhu cầu của các DN đa quốc gia, các DN sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trong khi đó, các DN trong nước vẫn chủ yếu tập trung vào mảng dịch vụ chuyển phát nhanh tài liệu, hàng hóa, bưu kiện có khối lượng nhỏ. Còn đại diện lãnh đạo VietnamPost và Kerry TTC Express lại cho rằng, các hãng chuyển phát nước ngoài góp mặt tại thị trường VN hiện vẫn chú trọng khai thác mảng dịch vụ chuyển phát quốc tế, chưa quan tâm nhiều đến các dịch vụ nội địa, do đó đại đa số các DN “nội” vẫn chưa phải đối mặt với sự cạnh tranh, giành giật trực tiếp từ các đối thủ ngoại giàu tiềm lực kinh tế cũng như kinh nghiệm.

“Tuy nhiên, về lâu dài, khi các hãng chuyển phát nhanh toàn cầu hướng sự quan tâm, tìm cách thâm nhập vào mảng dịch vụ chuyển phát nội địa thì chắc chắn các DN trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn, sức ép cạnh tranh sẽ vô cùng lớn. Vì thế, thời gian sắp tới, các DN trong nước cần chuẩn bị tốt các điều kiện, đặc biệt là phải có những giải pháp để quyết liệt nâng chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng, tối ưu hóa chi phí, nâng dần năng lực cạnh tranh của DN mình”, đại diện Kerry TTC Express nhấn mạnh.

Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam về dịch vụ chuyển phát

Gia nhập WTO, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia dịch vụ chuyển phát nhanh đối với tất cả các loại văn bản, tài liệu (bao gồm cả dịch vụ có lai ghép-hybrid mail services và thông tin quảng cáo trực tiếp-direct mail) và các kiện, hàng hóa khác trừ một số trường hợp như: các văn bản có giá cước dịch vụ thấp hơn 10 lần giá cước của 1 bức thư tiêu chuẩn gửi trong nước ở nấc khối lượng đầu tiên hoặc thấp hơn 9 USD khi gửi đi quốc tế; tổng khối lượng của các vật phẩm (cho 1 lần chuyển phát) trên 2.000 gam.

Các công ty chuyển phát nhanh và dịch vụ chuyển phát nhanh nước ngoài sẽ được đối xử bình đẳng với Bưu chính Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ mà Việt Nam đã cam kết mở cửa. Những dịch vụ không cam kết mở cửa sẽ chỉ dành cho các DN bưu chính trong nước.

ems
ems
Chuyên dịch vụ chuyển phát nhanh EMS Vietnam Logistics, giao nhận hàng hóa, trong nước và Quốc tế tới 193 nước trên quốc tế bao gồm: hàng hóa, bưu kiện, thư tín, bưu phẩm, thời gian giao hàng nhanh uy tín và chuyên nghiệp
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

TIN LIÊN QUAN