Nội Dung Chính
Trước khi thị phần giao nhận hàng hóa tại Việt Nam phát triển mạnh tại mảng kinh doanh online như hiện nay, các ông lớn quốc tế như Up, FedEX, DHL là những tên tuổi lớn trong việc giao nhận sản phẩm. Khoảng 5 năm trước đây, khi các doanh nghiệp tại Việt Nam muốn nhận sản phẩm từ nước ngoài hoặc vận chuyển từ trong nước ra quốc tế, đều chủ yếu dùng dịch vụ của các đơn vị lớn này. Với lợi thế tiềm lực kinh tế, mạng lưới giao nhận trong nước và đi quốc tế được đầu tư bài bảnkhông khó cho các thương hiệu này chiếm lĩnh thị phần giao nhận hàng hóa tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, kể từ khi thương mại điện tử phát triển nở rộ, thị phần vận chuyển phát triển thêm mảng mới, đó là giao hàng nhanh.
1. Từ dịch vụ shipper
Nhiều năm trước các fanpage bán hàng quần áo online mọc lên như nấm, cùng với đó là thời hoàng kim của enbac, muare, rongbay, cucre…cùng các diễn đàn rao vặt khác. Đứng trước nhu cầu nhận hàng ngày càng tăng của khách hàng, chủ yếu là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, các chủ shop thường tự đi vận chuyển hàng (hay còn gọi là ship hàng), hoặc thuê xe ôm trong những lúc bận rộn. Kéo theo nhu cầu vận chuyển tăng cao là sự ra đời của dịch vụ shipper. Dịch vụ này chủ yếu là các nhóm ship hàng do các bạn trẻ tự lập nên, tuy nhiên có sự quản lý, phân chia đơn hàng chặt chẽ, mức giá ổn định. Khó có thể thống kê chính xác hiện nay có bao nhiêu nhóm shipper trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhưng dịch vụ này đã đem lại thành công cho các shop bán hàng khi ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp. Các chủ shop khi có đơn hàng, sẽ liên hệ đến trưởng nhóm shipper, từ đó trưởng nhóm sẽ điều chuyển nhân viên đến nhận hàng, nhận tiền ship và chuyển đơn hàng. Với những shipper lạ, chủ shop thường yêu cầu đặt cọc tiền hàng, sau khi giao hàng và được khách hàng xác nhận thì sẽ quay lại nhận tiền. Việc thỏa thuận giữa hai bên mang tính tự phát và chủ yếu dựa vào lòng tin nên không tránh khỏi những trường hợp phát sinh như khách không nhận hàng, thất lạc đơn hàng. Các nhóm shipper ngày càng nhiều, mức giá ổn định nên ưu điểm là mức giá cạnh tranh, thời gian nhận hàng nhanh chóng.
2. Đến các chính sách giao nhận của doanh nghiệp online
Dịch vụ shipper chủ yếu phù hợp với các shop online nhỏ, số lượng khách và đơn hàng mỗi ngày không nhiều. Đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử hoặc nhà bán lẻ online thì dịch vụ này không thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển của họ. Bên cạnh đó, việc thuê dịch vụ bên ngoài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh doanh nghiệp khi mất đi cơ hội quảng cáo và ghi điểm trong lòng khách hàng. Các sàn thương mại điện tử như Lazada, Zalora, Hangtot, Vatgia…đều duy trì và xây dựng đội ngũ vận chuyển và chính sách giao nhận riêng biệt cho mình.
3. Và sự góp mặt của các công ty giao hàng nhanh
Nếu tìm kiếm từ khóa “giao hàng nhanh” trên Google sẽ đem đến kết quả bất ngờ về lĩnh vực giao nhận nhanh hiện nay. Dịch vụ vận chuyển này hướng đến các shop online, doanh nghiệp vừa và nhỏ trực tuyến muốn giao nhận sản phẩm trong phạm vi thành phố, chủ yếu là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Những khách hàng này không muốn sử dụng dịch vụ của các nhóm shipper vì tính an toàn và pháp lý không cao. Trong các dịch vụ vận chuyển, giao hàng nhanh vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp khai thác.
Để cạnh tranh trong thị trường giao hàng nhanh, các công ty cung cấp dịch vụ đang đưa ra những mức cạnh tranh giá dịch vụ và thời gian giao hàng. Nhiều bên đang đưa ra các chương trình khuyến mãi giá vận chuyển, với những đơn hàng khác nhau khách hàng sẽ có mức giá đa dạng. Hoặc hỗ trợ phí phát hàng hoặc lưu kho trong các trường hợp khách hàng không nhận đơn hàng hoặc trả hàng.
Các chính sách và cuộc chiến cạnh tranh dịch vụ, giá cả của các hình thức giao nhận đem lại những sự kiện muôn màu muôn vẻ và gia tăng giá trị nhận hàng cho người tiêu dùng. Có thể thấy rằng, trong thị phần vận chuyển cho thị trường thương mại điện tử hiện nay, dù sử dụng hình thức nào thì các doanh nghiệp, shop online cũng đang có hướng đầu tư đúng cách và bài bản cho dịch vụ giao nhận, một trong những hình thức lôi cuốn khách hàng gắn bó với thương hiệu.